
Hoà Thượng Thích Thiện Hoa
Bức Bích Hoạ Phật Học Phổ Thông Vĩ Đại!
Kính dâng Cố Hoà Thượng
với tất cả lòng thành kính và ngưỡng mộ!
Hoà thượng viên tịch ngày 20 tháng 12 năm Nhâm Tý-1973
Hậu học Thích Thiện Hữu kính lễ!
Viết về một con người đã từng sẻ chia những khó khăn gian khổ với bá tánh chúng sinh là một điều khó. Nhưng viết về một bậc Bồ tát suốt đời hành hoá giữa chốn nhân gian mênh mông bao la lại càng khó khăn hơn.
Viết về một con người sống kiên trung cho lý tưởng và tận hiến cho dân tộc là khó. Nhưng viết về một bậc kỳ túc xuất trần, luôn dựng xây, tô bồi cho dân tộc Việt lại càng khó khăn hơn.
Bao năm qua, biết bao tâm tình của bao thế hệ, từ xuất gia đến tại gia, từ người cùng thời với Ngài đến những hậu bối như con đều có những cảm nghĩ, nhận định khác nhau. Nhưng dù nói ngàn lời cũng không ai diễn đạt hết đời sống của một Thiền tăng, của một thánh giả. Riêng con, dù có diễn tả hay đến đâu đi nữa, con cũng không nói hết những tâm tình ngưỡng vọng của con về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài.
Ngài đã sinh ra, lớn lên giữa ruộng lúa trong lành, mùi rơm rạ thơm tho giữa sông nước mênh mông, hay giữa thời kỳ ngập tràn khói lửa của làng quê Nam Việt.
Sau khi thọ pháp xuất gia với Tổ Phi Lai-Chí Thiền, vâng lời tôn sư chỉ dạy, Ngài đã từ bỏ miền Nam gắn bó thân yêu, để lặn lội ra Huế cầu học với các bậc danh Tăng thạc đức xứ Thần kinh. Hết Tây Thiên đến Long Khánh, Thập Tháp, rồi Báo Quốc, Kim Sơn.
Biết bao mưa sa gió táp, biết bao đắng cay thử thách cuộc đời đã không làm nản chí và tấm lòng thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sinh của Ngài. Trên gương mặt, trên đôi môi và trong trái tim Ngài lúc nào cũng tươi sáng, toả rạng tình thương yêu dạt dào và ngập tràn nhân nghĩa đối với Tổ thầy và chư bạn đồng môn.
Sau hơn 8 năm cầu học nơi đất Thần Kinh, Ngài trở về Nam, liền bắt tay vào những hoạt động văn hoá, hoằng pháp, giáo dục và sáng tác dịch.
Những điểm giảng kinh từ chùa này đến chùa khác, từ thành thị đến thôn quê bắt đâu khai giảng. Những tờ báo Phật giáo, những diễn đàn đối thoại liên tôn ra đời với mục đích duy nhất là giúp mọi người, mọi giới hiểu đúng về đạo Phật.
Bên cạnh đó, những lĩnh vực văn chương, thi ca, kịch nghệ đều được Ngài quan tâm đúng mức, đều được đặt trên con thuyền hoằng pháp lợi sinh.
Nhưng nói gì thì nói, con vẫn có cảm giác như con người của Ngài vẫn đậm đà chất phác của cư dân vùng sông nước, của con người uống nước sông Hậu, sông Tiền. Do vậy, chắc chắn Ngài thật đôn hậu hiền hoà, khoan dung độ lượng, không phải chỉ với Tăng-Ni mà còn với bổn đạo Phật tử, không phải chỉ trên những vùng đất trù phú đồng lúa bát ngát mênh mông, mà còn trên những vùng sỏi đá khô cằn.
Đời sống của Ngài chắc chắn phải thật giản dị như ngọn cỏ luống rau, nhưng tấm lòng thì rộng lớn bao la như sông nước Cửu Long. Ngài luôn ôm chặt đạo pháp vào lòng, trĩu nặng với quê hương dân tộc trong từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim.
Ngài thiết tha với từng nhánh cây, từng tấc đất, từng giọt mưa bóng nắng trên dải đất Tiên rồng. Ngài thiết tha với từng miếng ăn cái mặc, từng lời nói tiếng cười, từng điệu hò, câu hát, vần thơ của người dân ở khắp quê hương xứ sở. Chính những thiết tha đó, Ngài đã đứng giữa đất trời, giữa quê hương nước Việt để nói lên những lời yêu thương, nồng nàn, vì người, vì vạn loại chúng sinh.
Nhìn lại giai đoạn lịch sử đi qua, đạo Phật Việt nam không thể thoát ra được những ảnh hưởng thăng trầm của thời cuộc: Hết đảo chánh tới chỉnh lý, hết xuống đường đến biểu tình tuyệt thực. Đời sống trong chốn thiền môn ít nhiều gì cũng bị xáo trộn. Đời sống cộng đồng Phật tử không tránh khỏi những nhiễu loạn khó khăn. Nhưng với tất cả những nỗ lực dựng xây và hăng say trong sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp, Ngài chưa từng nói câu mỏi mệt, chưa từng phát khởi ý niệm hoài nghi hay thất vọng về chính công việc mình đang thực hiện.
Dù bận rộn biết bao Phật sự trong giảng dạy, tô bồi và dựng xây, nhưng hạt giống trí tuệ của Ngài vẫn được chăm bón và nở nhuỵ khai hoa. Nhiều tác phẩm giá trị xuất hiện, góp phần vào việc nối lửa tiếp đèn của lịch đại Tổ sư để lại. Trong đó đáng kể đến vẫn là bộ Phật Học Phổ Thông 12 quyển. Tác phẩm này từ đó là tài liệu quý hiếm gối đầu giường của biết bao thế hệ Tăng-Ni, Phật tử trong việc học tập, nghiên cứu, hành trì và là tài liệu giảng dạy căn bản cho các trường Phật học tại miền Nam.
Cái hay và cái khéo của Ngài là đã tóm thâu, kết nối có chọn lọc, có khoa học cho hầu hết hệ thống giáo lý đạo Phật.
Tuy không được phước duyên thù thắng như Ngài Thế Thân, Vô Trước hay Nghĩa Tịnh, Trần Huyền Trang bên Trung Quốc được đến tận Tây Thiên để thỉnh kinh, chiêm bái và thọ học. Ngài chỉ ở Việt Nam, đến gõ cửa từng sơn môn Tổ đình, từng Học Viện gần xa để tích luỹ kiến thức Phật học. Cuối cùng, Ngài đã để lại cho hậu thế một kho tàng giáo lý quý báu, phù hợp với mọi căn cơ trình độ của Phật tử Việt Nam.
Chừng ấy thôi, cũng đủ nói lên tấm lòng, tâm tư tình cảm của Ngài đối với đạo Phật và dân tộc Việt. Quả thật, Ngài đã dâng tặng cho đạo Phật và quê hương Việt Nam một món quà vô giá vượt thời gian, không gian, và vượt ra ngoài dự đoán của bằng hữu chung trường!
Lần giở lại từng trang tiểu sử của Ngài, con nhận biết một điều, cuộc đời Ngài chưa từng đặt chân đến Trung quốc để chiêm bái tham quan động Đôn Hoàng. Nhưng Ngài đã để lại cho Phật giáo Việt nam một bức bích hoạ mỹ lệ hoành tráng. Trên bức bích hoạ này, Ngài đã vẽ và kể lại từng chi tiết của đạo Phật khi mới ra đời và những phát triển sau đó. Từ thời kỳ sơ khai đến giai đoạn phân chia bộ phái, thậm chí còn từ Ấn Độ sang Trung Quốc và Việt nam. Những công hạnh tuyệt vời, những hình ảnh cao thượng của chư Bồ Tát, liệt vị tổ sư đều được Ngài kể lại rõ ràng rành mạch.
Bức bích hoạ Phật Học Phổ Thông không được khắc hoạ theo bất kỳ trường phái hay đường nét thế tục nào. Ngài chỉ vẽ nó bằng một tấm lòng, một trái tim nhiệt thành của người đệ tử đức Phật, chỉ muốn cống hiến những ý tưởng nhỏ nhoi của mình cho đạo pháp và tha nhân!
Có thể có những giọt nước mắt yêu thương, hay những nụ cười hạnh phúc của con người sáng tạo đã hiện hữu trên cuộc đời này, để đổi lấy cái nhìn chín chắn, đúng đắn về một đạo Phật mà xã hội đương thời đã thờ ơ chẳng biết.
Đến cuộc đời vỏn vẹn 55 năm và 26 hạ lạp, nhưng Ngài đã hoà nhập vào thế giới con người, vào tình yêu đạo pháp, vào những tiếng khóc cười của thế nhân, và vào những xáo trộn đau thương của quê hương đất nước.
Sự nghiệp của Ngài để lại là gì, nếu không kể đến đêm ngày không ngừng sáng tác, kiến lập đạo tràng, dựng xây Phật đường, đào tạo Tăng-Ni tài đức, và hoằng pháp lợi sinh!
Ôi, mấy mươi năm ngắn ngủi thong dong trong thế giới Ta bà, với trách vụ thiết tha cao thượng, với nghĩa tình thiêng liêng cao cả. Ngài sống và làm việc không phải cho riêng mình, mà cho tất cả mọi người.
Dấu chân Ngài đã in dấu khắp nơi ở miền Nam nước Việt. Với dòng máu oai hùng không ngại gian khổ của con cháu Hồng Bàng, Ngài đã sẻ chia một phần đất trên quê hương Việt nam, hay nói chính xác hơn là miền Nam nước Việt. Ngài đã đóng góp bàn tay nhỏ bé của mình trong công cuộc dựng xây, phát triển đạo pháp và dân tộc. Những thành tựu Phật sự của Ngài đã trở thành huyền sử.
Quả thật, Ngài là người có một cái nhìn tinh tế thiện xảo, phân tích bén nhậy, và có tấm lòng thiết tha với Đạo pháp và Quê hương, nhất là trong giai đoạn khó khăn của thời cuộc. Do vậy, Ngài đã trở thành cột trụ vững chãi cho công cuộc dựng lại toà lâu đài Phật giáo vàng son, sau những đổ vỡ, chìm nổi của lịch sử Phật giáo Việt nam!
Ngài đã mạnh dạn vứt bỏ mọi nhỏ nhoi tầm thường của đời sống thế tục, để dấn thân phụng hiến cho con đường thênh thang giải thoát. Ngài đã ra khỏi thế giới bé nhỏ của ích kỷ tư lợi để tìm về thế giới lợi tha, đại đồng!
Con mơ ước có một ngày nào, con sẽ trở về tìm lại những nơi có dấu chân Ngài đi qua. Con sẽ thăm viếng những ngôi Tổ đình, những Phật học viện, những đạo tràng, để có dịp tắm mình và hiểu thêm về một bậc xuất trần.
Những dấu chân thánh thiện, những hoài mong khôn cùng, tưởng chừng đã rơi bay về chốn vô thường, giờ lại bập bùng ánh sáng trong tận cõi lòng con!!!
Nam Mô Phước Hậu Đường Thượng, Thích Thiện Hoa Bồ Tát Ma Ha Tát
Hậu học Thích Thiện Hữu kính lễ!